Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) sẽ áp dụng các thủ tục tố tụng cần thiết để yêu cầu các trang web nhạc số, kể cả các công cụ tìm kiếm nhạc vi phạm bản quyền bồi thường thiệt hại.

Theo ông Phạm Long Minh, Chánh văn phòng RIAV, hiện có rất nhiều trang web kinh doanh nhạc số không chịu chi trả tiền bản quyền. “Tác hại lớn nhất là các hãng băng đĩa quá ngán ngẩm trước tình trạng vi phạm nên hạn chế sản xuất chương trình mới. Bởi chi phí thực hiện một chương trình lên tới hàng trăm triệu đồng mà chưa kịp bán CD thì các trang web đã trưng đầy ra”, ông Minh nói.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hiện có khoảng 200.000 bài hát đang lưu hành trên các trang web nhạc số chưa xin phép bản quyền tác giả và các quyền liên quan.

Không chỉ các trang web nhạc số, đại diện RIAV khẳng định các trang web tìm kiếm nhạc số như Zing, baamboo, Socbay cũng đang vi phạm bản quyền, bởi những trang tìm kiếm này cho phép nghe nhạc trực tiếp hoặc tải các file nhạc số chưa được phép của nhà sản xuất. Ngay cả những trang web nhạc số đặt máy chủ ở nước ngoài cũng không nằm ngoài “tầm ngắm”. RIAV có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức quốc tế và được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Liên đoàn công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI).

Ông Minh cho biết sau khi Bộ Văn hóa Du lịch và Thể thao gửi công văn cảnh báo tới hơn 40 trang nhạc số yêu cầu tôn trọng bản quyền, có một số đơn vị có thiện chí liên lạc ngay với RIAV làm các thủ tục xin phép và trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, phần lớn cố gắng dùng các biện pháp trì hoãn, né tránh hay trao đổi sơ lược rồi “mất tích” luôn, gửi công văn cũng không thèm trả lời!. Thậm chí, không ít trang nhạc số vi phạm bản quyền thậm chí còn không hề có phản hồi. Một số trang còn cố gắng tăng cường các biện pháp khai thác mạnh hơn, thể hiện rõ ràng ý muốn trốn tránh và coi thường pháp luật, dù rằng RIAV đã gửi nhiều công văn giải thích và yêu cầu họ liên hệ.

Sau công văn cảnh báo của Bộ Văn hóa Du lịch và Thể thao, ông Nguyễn Hạ Long, trưởng phòng cấp phép của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có hơn 10 trang web nhạc số và trang tìm kiếm nhạc liên hệ về vấn đề bản quyền tác giả. Tuy nhiên, các trang web nhạc số cho rằng biểu giá của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và RIAV đưa ra là quá cao so với tình hình thực tế.

Hiện RIAV đưa ra mức giá 1 triệu đồng/bài hát/năm nhưng có nhiều phương án giá khác nhau dành cho từng loại hình kinh doanh nhạc số. Giá của nhạc chuông, nhạc chờ hoàn toàn khác với giá của sử dụng Internet. Còn Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra mức giá 16 ngàn đồng bản quyền tác giả với một bài hát/tháng (192 nghìn đồng/năm) hoặc thu 300đồng/bài hát/lần tải.

Với những trang web còn thờ ơ với vấn đề bản quyền, ông Minh cho biết RIAV sẽ tiếp tục kiên trì liên lạc với các trang web nhạc số nhằm mục đích nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền. “Nếu các trang web nhạc vẫn bất chấp nỗ lực của chúng tôi và tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ áp dụng các thủ tục tố tụng cần thiết về dân sự để yêu cầu họ bồi thường. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ yêu cầu các biện pháp hành chính và hình sự của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện”, ông Minh nói.

Còn với bản quyền tác giả, ông Nguyễn Hạ Long cũng khẳng định sẽ có linh hoạt với các trang web nhạc số, có thể giảm từ 5-10% chi phi bản quyền nhạc số trong giai đoạn đầu. Với những đơn vị tiếp tục thờ ơ, “Trung tâm sẽ phải nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền”, ông Long nói.

(Theo ITC News)